Ngôn ngữ
English Tiếng Việt


Kỹ thuật trồng Vải Thiều

Danh mục: Kiến thức nhà nông | Ngày đăng: 2022-12-10 09:33:52 | Ngày cập nhật: 2023-01-10 12:37:04 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị


Tìm hiểu kỹ thuật trồng vải thiều

1. Các giống vải thiều được trồng nhiều hiện nay

– Vải thiều Thanh Hà: Quả gần tròn, vỏ quả đỏ vàng, quả nhỏ, trọng lượng 15 – 20 gr/ quả, hạt lép, tỷ lệ cùi/quả 74%, ráo nước, ngọt thanh, thơm, hơi có vị chua, chín vào tháng 6, tính ổn định cao.

– Vải thiều Phú Hộ: có 2 dạng quả, quả đít nhọn, hạt lép và quả đít bằng hạt to. Vỏ quả đỏ thắm, quả to, trọng lượng quả 30 gr/quả, tỷ lệ cùi/quả 70%, ráo nước, chín sớm hơn vải Thanh Hà 5 – 7 ngày.

– Vải Xuân Đỉnh: Đặc điểm gần giống vải Thanh Hà, quả to hơn, vỏ quả màu đỏ thắm, chất lượng ngon.

2. kỹ thuật trồng và chăm sóc

a) Chọn đất trồng:

– Cây vải không kén đất, yêu cầu quan trọng nhất của đất trồng vải là phải thoát nước, tầng đất dày, tuy nhiên đối vỏi trồng bằng cành chiết, bộ phận rễ phát triển kém, đưa lên đồi phải giữ ẩm tốt bvà giữ cho cây khỏi lay gốc để đảm bảo tỷ lệ sống sau trồng cao.

– Đối với đất đồi, trồng vải phải chọn nơi có độ dốc thấp dưới 25 độ C, nhất thiết phải trồng theo đường đồng mức và phải có băng cây chống xói mòn.

b) Thời vụ trồng:

– Vụ Xuân: trồng tháng 3 – 4.

– Vụ Thu trồng tháng 8 – 9.

c) Mật độ trồng: 400 cây/ha, khoảng cách trồng 6m x 4m.

d) Đào hố trồng: Đất bằng, thấp, đào hố rộng 70 – 80 cm, sâu 70 cm; đất đồi đào hố rộng 70 – 80 cm, sâu 80 – 100 cm, lớp đất mặt để một bên.

e) Bón phân lót: Trước khi trồng 1 tháng, trộn 20 – 30 kg phân chuồng, 0,7 kg phân lân + cỏ + rác + phân xanh lấp kín đến miệng hố rồi lấp đất mặt cho bằng miệng hố.

f) Trồng cây: Khi trồng bới một lỗ nhỏ giữa hố định sẵn, sâu 15 – 20 cm, đặt cây rồi lấp đất kín bầu, lấy tay ấn chặt (Lưu ý không dùng chân dẫm lên mặt bầu). Trồng xong đóng cọc, buộc cây vào cọc chống gió làm lay gốc-trồng xong tưới nước cho cây.

g) Chăm sóc:

– Tưới nước: sau trồng phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây chóng bén rễ.

– Bón phân: Ba năm đầu dùng nước phân pha loãng để tưới. Từ năm thứ 4 trở đi hàng năm bón cho mỗi cây 40 – 50 kg phân chuồng + 1,5 kg đạm urê + 2kg lân + 0,7 kg kali, chia làm 3 đợt để bón.
+ Đợt 1: Tháng 10 – 11, bón 100% phân chuồng + 40% lượng đạm + 40% lượng lân.
+ Đợt 2: Tháng 12 – 1, bón thúc lúc phân hóa mầm hoa, bón 40% lượng đạm+ 30% lượng lân + 40% lượng kali.
+ Đợt 3: Tháng 3 – 4, bón hết số phân cần bón trong năm.

– Đốn tỉa, tạo hình:

+ Ngay khi cây ở vườn ươm, tạo cho cây có một thân chính và 3 cành hướng về 3 phía.
+ Hàng năm cắt bỏ cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh. Loại bớt cành vụ đông, chăm sóc, bảo vệ cành vụ thu và vụ xuân.
+ Khi cây ra quả bói (ra lứa hoa, quả đầu tiên) cần cắt bỏ cho cây khoẻ.

– Phòng trừ sâu bệnh: một số bệnh cơ bản gồm: bọ xít, sâu đục thân, nhện.


3. Bảo quản, chế biến
– Để quả vào túi Polyetylen thủng, để ở nhiệt độ 7 độ C có thể giữ được 5 tuần, nhìn chung bảo quản quả tươi đối với vải là rất khó.

– Hiện nay, người ta chế biến vải xấy khô, vải nước đường… đều có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

(theo kythuatnuoitrong.com)

08.9669.4139